Loading...
Sự bùng nổ của thị trường smartphone đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) trong việc tận dụng công cụ này để quảng bá thương hiệu, đồng thời mở ra con đường mới trên thị trường quảng cáo trong bối cảnh các loại hình truyền thống đang giảm dần sức hút.
Thay đổi hành vi người dùng
Báo cáo từ GFK cho thấy, chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, lượng smartphone bán ra trên thị đã tăng hơn gấp đôi, từ 192.000 chiếc lên gần 500.000 chiếc.
Như vậy, số lượng smartphone đã chiếm đến 38% tổng số điện thoại di động bán ra hằng tháng. Không chỉ gây ngạc nhiên về mặt số lượng, thói quen sử dụng smartphone của người Việt cũng đã chuyển biến hết sức tích cực.
Ông Carl Ngô Nguyên Kha, Tổng giám đốc Mobiistar cho biết, nếu như cuối năm 2012, kết quả nghiên cứu cho thấy người Việt dùng smartphone hệt như điện thoại cơ bản, chỉ để nghe, gọi, nhắn tin thì đến nay, thói quen này đã hoàn toàn thay đổi.
Khảo sát do Google thực hiện cho thấy, 70% người dùng sử dụng điện thoại smartphone để tìm kiếm tin tức, xem video, tải ứng dụng hay vào các mạng xã hội. Ngoài ra, smartphone còn là phương tiện hỗ trợ mua sắm khi có đến 60% số người được hỏi bày tỏ họ sử dụng để mua sản phẩm.
"Nếu số lượng smartphone mang lại nguồn lợi cho nhà sản xuất ra nó thì việc thay đổi thói quen sử dụng lại là cơ hội cho các DN khác bởi đây là công cụ quảng bá thời thượng và tốt nhất", ông Carl Ngô Nguyên Kha chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc Điều hành Công ty CP Internet New Horizon, cho biết, cái lợi đầu tiên và dễ thấy nhất là ở lĩnh vực quảng bá thương hiệu.
Khảo sát từ New Horizon cho thấy, khác với việc bị làm phiền bởi tin nhắn rác, có đến 65% người dùng smartphone cho biết, họ không thấy phiền khi nhận những mẫu quảng cáo khi đang dùng những ứng dụng cũng như đang truy cập web trên smartphone.
Thời cơ quảng bá
Nhận thức rõ smartphone đang là "mảnh đất vàng" cũng là lúc các "emarketer" bắt đầu triển khai các dự án để kịp nắm lấy thời cơ. Ví dụ cụ thể nhất là trường hợp của Wada.
"Dù ra mắt cùng lúc khá nhiều ứng dụng cho người dùng như công cụ tìm kiếm, danh bạ web, trang tin tức, kho ảnh... trên smartphone nhưng cốt lõi của Wada vẫn hướng đến thị trường quảng cáo", ông Phạm Tiến Thịnh thừa nhận.
Để đẩy mạnh sự hiện diện của mình, bước đi đầu tiên của Wada là hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị để tối ưu hóa các ứng dụng trên smartphone. Đây cũng là chiến lược của Lazada, trang bán hàng trực tuyến đang hoạt động khá rầm rộ hiện nay.
Theo ông Christopher B.Benselin, Giám đốc Điều hành và là sáng lập viên của Lazada, đơn vị này sẽ kết hợp chặt chẽ với những đơn vị sản xuất điện thoại, trước mắt là Mobiistar để tạo ra hệ sinh thái của thương mại điện tử trên smartphone, phục vụ cho việc quảng bá lẫn bán hàng của đơn vị này.
Không chỉ có những DN mới như Wada, Lazada, mà ngay cả DN lớn nhất trong ngành nội dung số là VNG cũng không bỏ qua cơ hội này khi liên kết độc quyền với Inmobi để cung cấp các giải pháp quảng cáo trên di động tại Việt Nam.
Hiện tại, Inmobi đang được xem là mạng quảng cáo di động độc lập lớn nhất thế giới, đạt được hơn 691 triệu người dùng trên 165 quốc gia. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, lượng hiển thị banner quảng cáo khi khách hàng truy cập internet Inmobi đã đạt hơn 4 tỉ.
Với việc trở thành đối tác độc quyền của Inmobi, rõ ràng VNG đã khẳng định tham vọng trong việc chiếm lĩnh thị trường truyền thông đa phương tiện.
Bà Nguyễn Hoàng Quế Nga, Phó tổng giám đốc Phụ trách Kinh doanh Trực tuyến Công ty CP VNG, nhận xét, quảng cáo trên điện thoại thông minh là giải pháp tốt nhất hiện nay đối với các DN. Các nhà quảng cáo tại Việt Nam đã bắt đầu khẳng định sự hiện diện của mình trong lĩnh vực này.
Do đó, VNG sẽ tận dụng công nghệ của Inmobi như rich media (truyền thông đa phương tiện, có thể chèn video vào các banner quảng cáo), ad serving (dịch vụ quảng cáo), định dạng quảng cáo, tối ưu hoá và phân tích... Với hợp tác này, VNG có thể tiếp cận DN để rồi đưa thông điệp của họ thông qua điện thoại thông minh tiếp cận với khách hàng.
Với sự chuẩn bị tiềm lực lẫn công cụ chu đáo của các DN, từ những thương hiệu mới đến những đơn vị đã vững chân như thế, rõ ràng, thị trường quảng cáo tại Việt Nam sẽ có những bước thay đổi đáng kể trong thời gian tới. "Vấn đề là hiện chỉ mới có 20% dân số dùng smartphone.
Con số này đang và sẽ thay đổi mạnh mẽ trong tương lai gần. Đón đầu được nhu cầu này mới thực sự là thử thách của nhà sản xuất lẫn các đơn vị khai thác tiềm năng trên thiết bị di động", ông Carl Ngô Nguyên Kha khẳng định.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Loading...
0 nhận xét:
Đăng một bình luận